Chào mừng bạn đã đến với Du Học TinEdu – Cổng Thông Tin Du Học Số 1 Việt Nam. Du học là một cơ hội lớn để trải nghiệm văn hoá, tiếp thu kiến thức mới và Tinedu mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin hữu ích về du học. Cùng tham khảo bài viết EJU là gì? Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi EJU môn tiếng Nhật để có thêm những thông tin hữu ích nhất nhé

Bạn nào có kế hoạch học Đại học ở Nhật hẳn đã biết một số trường không yêu cầu phải có chứng chỉ JLPT (năng lực Nhật ngữ) mà phải có kết quả của EJU (Kỳ thi Đại học dành cho du học sinh) thì mới có thể nộp hồ sơ. Đặc biệt là những trường công lập danh tiếng và có cả những trường tư thục cao cấp như Đại học Waseda, Đại học Hosei, đại học Takushoku… Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích ngắn gọn về kì thi EJU và chia sẻ kinh nghiệm ôn thi EJU tiếng Nhật – môn bắt buộc trong mọi ban ngành.

EJU là gì?

Những bạn có suy nghĩ trường nào ở Nhật cũng có chất lượng ngang nhau là sai lầm, đại học tại xứ mặt trời mọc có sự phân cấp còn cao hơn cả Việt Nam. Nhưng điều này trong giáo dục là tất yếu bởi vì không thể dạy học một cách đại trà, mà phải dạy theo năng lực của nhiều nhóm người trong xã hội.

Do đó, nếu mục tiêu của bạn sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ chỉ là học tiếp lên các trường senmon hay trường tư thục bậc trung bình thì chỉ cần lấy chứng chỉ JLPT và qua vòng sơ khảo đơn giản cùng 1 buổi phỏng vấn là có thể nhập học. Tất nhiên, học phí chắc chắn là rất cao mà chất lượng cũng không được đảm bảo.

EJU là kỳ thi đại học dành cho du học sinh
EJU là kỳ thi đại học dành cho du học sinh

Nhưng bạn nào có mục tiêu cao hơn, muốn vào những trường Đại học công lập danh tiếng hay trường tư thục cao cấp và senmon chất lượng thì phải có kết quả thi EJU thật xuất sắc. Tất nhiên những trường này đều có rất nhiều ưu đãi về học phí cũng như chất lượng dành cho đối tượng là học sinh nước ngoài.

Tham Khảo Thêm:   Hướng dẫn chuyển từ ngoại lai sang Karakana trong tiếng Nhật

EJU có thể hiểu là kỳ thi Đại học dành cho du học sinh, nó cũng chia thành 2 khối Tự nhiên và Xã hội, mỗi khối bao gồm các môn thi như sau:

Khối Tự nhiên:

  • Tiếng Nhật.
  • Toán (Chuyên ban Tự nhiên/Toán 1)
  • Môn Tự nhiên (Lý- Hóa- Sinh)

Khối Xã hội:

  • Tiếng Nhật
  • Toán (Chuyên ban Xã hội/ Toán 2)
  • Môn Xã hội (Lịch sử – Địa lý – Chính trị)

Bạn nên lên trang web trường đại học muốn đăng ký vào học tìm hiểu thật kỹ về yêu cầu môn thi. Bởi tùy theo khoa mà môn thi sẽ khác nhau. Trừ môn tiếng Nhật bạn có thể tự ôn tập, các môn còn lại tốt nhất nên đến các lớp học thêm dành cho người nước ngoài (塾教室) hoặc hỏi các thầy cô về khóa ôn ngắn hạn. Những môn tổng hợp như thế nếu không ôn đúng cách, đúng tài liệu sẽ rất khó có kết quả cao.

Một số đặc trưng của kỳ thi EJU là:

  • Kỳ thi Đại học dành riêng cho Du học sinh
  • Không đơn giản là tiếng Nhật hội thoại, mà còn gồm tiếng Nhật học thuật
  • Không chia cấp bậc như JLPT
  • Một năm thi hai lần: Tháng 6 và tháng 11
  • Có phần thi viết luận

Ôn thi EJU môn tiếng Nhật

Tài liệu ôn tập

Dù thi khối nào thì cũng có môn tiếng Nhật, điều đầu tiên để ôn thi thật tốt môn này là bạn phải có một bộ tài liệu chuẩn. Hãy chuẩn bị 3 quyển sách học tiếng Nhật dưới đây:

  • 日本留学試験:速攻トレーニング読解
  • 日本留学試験対策:スコアアップ問題集聴読解-記述
  • 日本留学試験対策:記述問題テーマ100.

Chuẩn bị thêm một quyển vở để ghi chú lại những từ vựng tiếng Nhật và ngữ pháp mới xuất hiện trong bài. Mỗi ngày ôn luyện tầm 1-3 trang/ quyển là ổn.

Đề thi tiếng Nhật EJU rất khác JLPT, nên bạn cần ôn tập từ sớm
Đề thi tiếng Nhật EJU rất khác JLPT, nên bạn cần ôn tập từ sớm

Ôn như thế nào?

Để tự ôn thi EJU môn tiếng Nhật thì ít nhất trình độ của bạn đã đạt đến N3, dưới mức này nên tìm thầy cô để hướng dẫn thì sẽ tốt hơn.

Đọc hiểu

Tại các nhà sách bên Nhật bán khá nhiều bộ đề EJU nhưng chúng thật sự quá khó đối với một người chỉ mới bắt đầu ôn thi. Vậy nên, hãy dùng quyển日本留学試験:速攻トレーニング読解 để luyện. Tuy so với đề thi thật còn khá “nhẹ đô” nhưng các cấu trúc và phân hóa cũng như độ dài bám khá sát với đề thi. Điểm hạn chế là mỗi bài chỉ có một câu hỏi, trong khi đề thi EJU lại có khá nhiều câu hỏi được đặt ra.

Tham Khảo Thêm:   Ý nghĩa tỉ số trận đấu trong giấc mơ

Trong quá trình làm bài ôn, khi gặp những ngữ pháp lạ, hoặc những câu không rõ nghĩa thì cũng phải viết lại vào vở và tra nghĩa. Có thể thời gian đầu bạn sẽ thấy những việc này khá là rườm rà nhưng chỉ cần hơn một tháng, sự tiến bộ về từ vựng cũng như tốc độ đọc hiểu sẽ tăng đáng kể.

Nghe – Đọc hiểu

Đối với những bạn trước nay mới chỉ tiếp xúc với dạng bài thi JLPT có thể sẽ cảm thấy lạ đối với phần thi nghe – đọc hiểu này. Đây thực sự là một dạng đề thi hay, nó có thể đánh giá chính xác xem bạn có đủ khả năng học Đại học ở Nhật hay không, vì chương trình giảng dạy đều bằng tiếng Nhật nên nếu không thể nghe – hiểu thầy cô đang nói gì thì rất khó để tiếp thu kiến thức trên lớp được.

Khó khăn của phần thi nghe đọc hiểu không phải là nội dung quá cao siêu, luồn lách đánh lừa suy nghĩ của bạn. Khó khăn nhất của phần thi này chính là cách dùng từ trong đoạn nói và đáp án không hề giống nhau, mà sử dụng từ đồng nghĩa. Điều này yêu cầu bạn phải có một lượng từ vựng thật sự tốt thì mới có thể khoanh chính xác đáp án được.

Cách học là trước hết bạn nghe qua một lần, chỉ cần nắm ý chính mà đoạn nói muốn bàn luận đến. Tiếp theo là dùng bút dạ, bút đỏ… gạch dưới những từ bạn cảm thấy có liên quan đến ý chính nhất. Sau đó bạn nghe lại và đoạn nào không rõ cứ pause lại, suy nghĩ cho thật thấu đáo và lại nghe tiếp. Dĩ nhiên, trong thời gian đầu sẽ cảm thấy rất nản nhưng hãy kiên trì chỉ sau 1 – 2 tháng bạn sẽ thấy kỹ năng nghe – hiểu được cải thiện rõ rệt đấy.

Tham Khảo Thêm:   Địa điểm lí tưởng cho việc tự học ở Nhật
Hãy chọn sách có độ khó vừa phải để bắt đầu ôn thi
Hãy chọn sách có độ khó vừa phải để bắt đầu ôn thi

Viết luận

Đối với phần viết luận thì cũng tùy trường có yêu cầu nộp hay không, phần này yêu cầu trong 20 phút bạn phải viết được 400 – 600 chữ. 20 phút bao gồm cả đọc đề, viết bài, kiểm tra lỗi chính tả… nghe quả thật là một ải khó mà vượt qua đúng không?

Phân bố thời gian làm bài hợp lý nhất là: 2 phút đọc đề; 3 phút để lập dàn ý; 18 phút để viết và 2 phút cuối cùng để chỉnh một ít lỗi.

Quan trọng nhất là 3 phút lập dàn ý, note lại những ý chính sẽ giúp bạn làm bài thi không bị viết thiếu thông tin. Hãy nhớ là bám sát yêu cầu đề bài và cho dù phân tích hay đến mức nào đi chăng nữa, nếu bạn quên phần kết luận thì xem như… out! 2 phút để chỉnh sửa lỗi là chỉ để sửa lại các chữ Kanji thiếu/thừa nét; vết bôi tẩy khá bẩn; chữ nét chưa rõ ràng…

Vậy điểm chuẩn của EJU là bao nhiêu điểm?

Thi EJU môn tiếng Nhật không có điểm chuẩn, điểm càng cao xác suất đỗ sẽ cao. Với kỳ thi EJU, chỉ cần trên 200 điểm bạn có thể có khả năng vào một trường Tư thục hạng khá tại Nhật. Còn nếu cao hơn nữa bạn có khả năng được học bổng hoặc đủ tư cách dự thi một trường Công lập ở Nhật. Tuy nhiên, cũng có số điểm môn tiếng Nhật được xem là an toàn cho từng bậc Đại học như sau:

  • Đối với Đại học Tư thục bậc Khá thì điểm EJU từ 200 điểm trở lên.
  • Đối với Đại học Tư thục bậc Xuất sắc thì điểm EJU từ 260 điểm trở lên.

Nếu như bạn vẫn còn đang băn khoăn giữa việc thi EJU môn tiếng Nhật phải ôn tập ra sao, những khó khăn nào mà người tự học thi hay gặp thì qua bài viết này hy vọng toàn bộ những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn phần nào trong kỳ thi EJU sắp tới. Chúc mọi người đạt thành tích thi đại học thật xuất sắc, bước vào được ngôi trường mà bản thân luôn hằng mong ước nhé!

Bạn đã xem bài viết EJU là gì? Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi EJU môn tiếng Nhật . Chúc các bạn có những giây phút thú vị và hữu ích nhé. Đừng quên để lại bình luận cho TinEdu để nhận được tư vấn nhanh nhất nhé.

Thông Tin Về TinEdu